2015 có thể xem là một năm tươi sáng của bất động sản nhưng không có nghĩa là thị trường đã hoàn toàn đẩy lùi được những khó khăn. Vậy năm 2016 thị trường BĐS cần gì để tiếp tục phát triển bền vững?
2015 là năm tăng trưởng rất tốt của thị trường BĐS, trên cả bình diện chung của thị trường về nguồn cung và lượng giao dịch. Các dự án đang ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng và tiện ích dịch vụ. Trong đó, căn hộ cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng là hai phân khúc ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ nhất cả về nguồn cung và sức mua của thị trường. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này cũng dẫn đến những hệ quả là: BĐS đang ngày càng thu hút nhiều hơn lượng doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, điều này tất yếu dẫn đến nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó 2016, BĐS có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư cung do các sản phẩm đưa ra quá nhiều. Một nguy cơ nữa là mãi lực từ phía nguồn cầu có thể sẽ giảm xuống do lượng vốn tự có của nhà đầu tư đã dồn phần nhiều trong năm 2015, nguồn vốn này sẽ bị hạn chế trong năm 2016.
Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với Batdongsan.com.vn về giải pháp cho thị trường trong năm 2016, chuyên gia kinh tế Ngô Đình Hãn – Giảng viên Trung tâm tư vấn doanh nghiệp và phát triển kinh tế vùng khoa Kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế Tp.HCM) cho rằng: Để khắc phục những vấn đề trên thì vai trò của các doanh nghiệp BĐS là tối quan trọng. Các doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn cung và mãi lực của từng phân khúc khi quyết định đầu tư. Trước sức ép cạnh tranh, để thu hút khách hàng về phía mình thì doanh nghiệp cần phải tạo ra sản phẩm có nhiều khác. Bên cạnh vị trí chiến lược, các đặc điểm như tiện ích, chính sách bán hàng và giải pháp thanh toán linh hoạt là rất cần thiết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có những gói giải pháp tài chính cho khách hàng như hỗ trợ thanh toán hoặc phương án hỗ trợ cho vay riêng để tạo ra sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao.
GS.TS Đặng Hùng Võ |
Trong khi đó, ở tầm nhìn vĩ mô, bên lề hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường BĐS 2016” do Batdongsan.com.vn tổ chức, GS.TS Đặng Hùng Võ đã đưa ra những vấn đề cụ thể mà thị trường BĐS 2016 cần phải thực hiện để giữ vững sự ổn định và phát triển tốt hơn:
Thứ nhất: Tìm kiếm nguồn tín dụng trung hạn và dài hạn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, cải tạo chung cư cũ nói riêng và cho thị trường BĐS nói chung. Giải quyết được vấn đề này chính là tìm ra giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường BĐS trong tương lai. Việc mở cửa chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở gắn với đất ở là giải pháp thu hút tín dụng tốt tuy nhiên, nếu có thể chính phủ nên tiếp tục mở chính sách được thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đây là cách duy nhất để tiếp cận vốn trung hạn và dài hạn.
Thứ hai: Cần phải điều chỉnh cơ chế cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, người có thu nhập thấp. Áp dụng nguyên tắc thực hiện các tín dụng nhỏ với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Điều quan trọng là giúp người nghèo có cơ hội cải tạo nhà đang ở bằng chính hoàn cảnh sống của họ. Không áp dụng cơ chế "xin - cho" như vẫn hay làm trong thời gian qua.
Thứ ba: Tăng cường quản lý rủi ro và tăng tính minh bạch cho thị trường. Cơ hội phát triển thị 2016 luôn phụ thuộc vào sức hấp dẫn sinh lợi khi đầu tư vào BĐS. Những cách thức quản lý rủi ro trên thị trường, quản lý rủi ro về quan hệ tài chính và đảm bảo tính minh bạch của thị trường tốt sẽ tạo ra môi trường giao dịch an toàn, tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Chuyên nghiệp hóa trong quản lý, hình thành một thị trường mà nhà đầu tư và người tiêu dùng đều đạt đến sự chuyên nghiệp sẽ tạo ra sự ổn định lâu dài và tránh các nguy cơ bong bóng không đáng có.
Thứ tư: Đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa các chính sách mở trong Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014. Ví dụ như chính sách cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, kinh doanh BĐS cần được các bên tham gia, tạo niềm tin cho nhóm đối tượng này. Sự tham gia này luôn kéo theo nguồn vốn đáng kể,tạo tiềm năng vốn cho thị trường.
Thứ năm: Điều chỉnh lại hệ thống đánh thuế BĐS. Theo Giáo sư Đặng Hùng võ thì thực tế hệ thống thuế BĐS của Việt Nam đã quá lạc hậu, không tạo ra tăng thu ngân sách từ BĐS để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, mà cũng không mang lại hiệu quả quản lý đối với thị trường. Ví dụ, Chính phủ đang mất rất nhiều sức để cố gắng giải tỏa khu phố cổ Hà Nội nhưng vẫn chưa thể làm được gì. Trên thực tế, chỉ cần đánh thuế cao đối với BĐS tại khu phố cổ là có thể điều chỉnh lại phân bổ dân cư tại đây.
Như vậy, ở góc độ nào các chuyên gia cũng đều có chung nhận định, năm 2016 là năm tiếp tục mọi thành tựu mà năm 2015 đã đạt được, việc phát triển có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc để tăng tính chuyên nghiệp của thị trường kể cả nhà quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ online)
(Theo Tuổi trẻ online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét